- 1. Các giống sầu riêng trồng tại Việt Nam
- 2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây con sầu riêng
- 3. Kỹ thuật bón phân sầu riêng
- 4. Kỹ thuật tỉa cành tạo tán sầu riêng
- 5. Phòng trừ sinh vật gây hại trên sầu riêng
- 6. Làm bông trái và thu hoạch sầu riêng
- 7. Chăm sóc sau thu hoạch sầu riêng
CÁC GIỐNG SẦU RIÊNG TRỒNG TẠI VIỆT NAM
Thạc sĩ BVTV Nguyễn Văn Đức Tiến
Sầu riêng (SR) có tên tiếng anh là durian - một loại trái cây cùng họ với cây mít. Các loại SR có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được gieo trồng phổ biến ở khu vực này, trong đó có Việt Nam đặc biệt là khu vực miền Nam, miền Đông và Tây nguyên. Vào thế kỷ XIX, nhà tự nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace đã mô tả thịt của nó như là “một món trứng sữa nồng hương vị hảo hạng hạnh nhân”.
SR cũng như các loại cây trồng khác, có nhiều giống khác nhau được trồng ở nhiều vùng miền. Là loại trái cây được xem là “trái cây vua” hiện nay và ở mỗi giống có những đặc điểm khác nhau do đó việc đánh giá chất lượng tùy thuộc vào khẩu vị của người tiêu dùng, độ “hót” của giống mà giá cả cũng khác nhau.
Qua khảo sát từ các công ty giống cây trồng, các vùng trồng SR trên cả nước, chúng tôi giới thiệu đến người quan tâm đến các giống trồng phổ biến hiện nay tại nước ta như sau:
1. Giống SR Ri6
SR ri6 xuất hiện vào những năm cuối của thập niên 1990 tại ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long. Những người dân quanh vùng gọi tên giống này theo tên cha đẻ của nó là ông Sáu Ri, lâu dần quen gọi nó là giống sầu tiêng ri6, là giống sầu riêng cao cấp cho năng suất và chất lượng cao mà thị trường hiện nay rất ưa chuộng.
SR ri6 là một giống sầu riêng được bảo hộ năm 2000 tại Việt Nam, được xem là giống sầu riêng ngon nhất Việt Nam có cơm vàng hạt lép, vị ngọt béo đậm đà hương vị đặc trưng.
2. Giống SR chuồng bò
Là một loại SR với cái tên rất kỳ lạ, không phải ai cũng biết xuất xứ tên gọi này nên đem lại tò mò cho mọi người. Sở dĩ có cái tên kỳ lạ này là vì bác nông dân tên là Tư Tây ở Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang, trong một lần vô tình phát hiện ra giống cây này mọc dại ở gần chuồng bò nên quyết định đặt tên là cây SR chuồng bò. Theo đánh giá của các người sành ăn ở Sài Gòn thì đa số họ đều thích sầu riêng chuồng bò nhất.
Sầu riêng này có cơm trắng hoặc vàng nhạt, hạt lépcó mùi thơm tự nhiên thoang thoảng, vị ngọt nhè nhẹ, không bị gắt với phần hậu có vị béo ngậy.
3. Giống SR khổ qua
SR khổ qua là giống có nguồn gốc trong nước, từ lâu đã được trồng rất phổ biến tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
SR khổ qua gồm hai giống là khổ qua vàng và khổ qua xanh. Giống khổ qua xanh được trồng phổ biến hơn có trái dạng bầu dài, màu vỏ xanh giống màu khổ qua, gai nhọn và dày.
SR khổ qua xanh có cơm vàng, hơi nhão, vị ngọt nhẫn đặc trưng, rất thơm và béo nhưng hạt rất to. Hạn chế của giống khổ qua này là phần cơm khá ít so với các loại sầu riêng hạt lép.
4. Giống SR Thái (Mongthong, Dona)
Giống Thái monthong (còn gọi là giống SR Dona) là giống SR nhập nội từ Thái Lan, xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào những năm 1990, sau đó được người dân phát triển và canh tác phổ biến. Lúc đầu, giống này được trồng ở vùng Đông Nam Bộ, sau đó tiếp tục thử nghiệm trồng ở các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Là loại giống SR có cơm màu vàng đậm, hạt lép và mùi hương thơm nhẹ hơn các loại SR khác. Đây là ưu điểm để chinh phục thị trường phương Tây vốn ko thích thức ăn có mùi quá đậm đà. SR Thái monthong vẫn là một trong những giống được các nhà nông ưa chuộng và quyết định để canh tác lâu dài.
5. Giống SR Cái Mơn
Theo lời kể của dân địa phương, loại SR này là do một thầy nho dạy học ở Cái Mơn mang về từ Campuchia và trồng ở mảnh đất này. SR Cái mơn có quả không lớn, trung bình chỉ khoảng gần 2kg, vỏ mỏng màu xanh ngắt, thưa gai.
Cơm SR có màu vàng nhạt như mỡ gà, hạt lép, mùi rất thơm, vị rất ngọt, béo đậm đà nên sầu riêng này dần trở thành loại trái đặc sản phẩm của vùng.
6. Giống SR Musang-King
Đúng với tên gọi của nó, SR này được xem như là "vua" của các loại sầu riêng (king). Musang-king có xuất xứ từ Malaysia, được xếp vào hạng sầu riêng đệ nhất với hương vị thượng hạng khó quên, là giống sầu riêng đang được săn lùng trên các kênh mua bán trái cây của thế giới.
Bề ngoài của musang-king không khác gì nhiều so với các loại sầu riêng thông thường. Múi sầu riêng to, hạt lép, khi ăn, sầu riêng có vị đắng đắng, thơm thơm và không quá ngọt, không gắt cổ, có vị béo như bơ sữa. Chính hương vị này mà có thể phân biệt được sầu riêng musang-king với các loại khác.
7. Giống SR ruột đỏ
Nếu bạn là tín đồ với SR có mùi đặc biệt này thì chắc sẽ rất bất ngờ khi biết sầu riêng không chỉ có ruột vàng đặc trưng mà còn có loại ruột đỏ như gấc.
SR ruột đỏ là một biến thể của SR, có thịt màu đỏ tươi. Thịt của SR ruột đỏ được cho là ngọt, thơm và có độ đậm đà hơn so với sầu riêng thông thường. Một số khác thì cho rằng chúng vừa ngọt, bùi, béo và đăng đắng.
Đây là loại SR có nguồn gốc ở Malaysia. Tuy nhiên, SR ruột đỏ không phải là loại phổ biến nhất và chỉ được tìm thấy ở một số khu vực nhất định.
Tóm lại, các loại giống SR ở Việt Nam khá đa dạng, và mỗi giống có một đặc điểm khác nhau, từ những loại hạt lép đựợc ưa chuộng, đến những loại bắt mắt như SR musang king, SR ruột đỏ.
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CON SẦU RIÊNG (SR)
Thạc sĩ BVTV Nguyễn Văn Đức Tiến
1. Vườn trồng
- Vườn trồng phải đảm bảo các yêu cầu như thoát nước tốt trong mùa mưa, đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh gây hại và chống xói mòn để giữ độ phì cho đất.
- Đất trồng có độ PH từ 4.5 đến 6.5 nhưng nên điều chỉnh PH đất trong khoảng 5.5 đến 6.5 để góp phần hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora (là loại nấm gây áp lực lới cho cây sầu riêng ở miền Tây gây bệnh xì mủ thối rễ hại cây)
2. Kỹ thuật trồng
- Thời vụ trồng: Trồng SR thích hợp nhất là từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8).
- Mật độ trồng: Tùy thuộc vào loại đất, giống và chế độ chăm sóc để bố trí mật độ trồng cây cho phù hợp. Tuy nhiên, loại đất tốt giàu dinh dưỡng như đất đỏ bazan nên trồng 100 cây/ha, tương đương cây cách cây 10m x 10m. Còn đất xám trồng 125 cây/ha, khoảng cách 8m x 10m. Trong giai đoạn đầu cây còn nhỏ nên trồng xen canh một số cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài, tránh lãng phí đất và chống xói mòn.
- Lên mô trồng: Đối với miền Đông và Tây Nguyên không cần lên mô.
Với miền Tây do mực thủy cấp cao, mặt líp thường thấp, tầng đế cày (tầng sinh phèn) cạn nên phải lên mô tầm 1-1,5m bảo đảm bộ rễ cây SR phát triển sâu 2m mới xuống gặp tầng sinh phèn, giúp cây chịu đựng được 10-20 năm trên vùng đất này.
- Đào hố trồng: Đào hố trước khi trồng khoảng 1 - 2 tháng. Hố đào sâu khoảng 0,7m và dài, rộng 1m x 1m. Sau đó, mỗi hố sử dụng 0,5kg vôi để xử lý một số loại sâu bệnh. Khi đào hố được 2 tuần, mỗi hố tiếp tục dùng 20 - 40kg phân hữu cơ hoại mục, 1kg phân lân, 0,5kg vôi bột và một nửa lớp đất mặt đào từ hố lên trộn đều cho xuống và lấp lại cao hơn mặt đất tự nhiên.
- Trồng cây con: Đào hố rộng hơn 1/2 bầu cây giống, nếu thấy cây có rễ già nhiều dùng kéo sắc tỉa bỏ bớt rễ già, cắt bỏ bao bầu rồi đặt cây vào hố trồng sao cho cành ghép đón hướng gió nhằm hạn chế bị gãy cành ghép. Mặt bầu cao hơn mặt hố (hoặc mặt mô trồng) khoảng 2-3cm, lèn đất cục xung quanh bầu cây cho bộ rễ thông thoáng. Trồng cây xong, phủ đất cục xung quanh bầu gốc (không phủ sát gốc sẽ gây đóng váng không thoáng cho rễ), cắm 3 cọc hình tam giác chụm xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để chống cho cây khỏi bị nghiêng ngả khi có mưa, gió lớn.
-Ủ gốc, giữ ẩm: Dùng rơm, cỏ khô ủ gốc giữ ẩm. Nếu có điều kiện làm mái che mát cho cây hướng che nắng chiều trong thời kỳ đầu và thường xuyên giữ ẩm cho cây. Nếu có nắng hạn kéo dài nên dùng vòi hoa sen tưới nước bổ sung cho cây.
Trong 1 tháng đầu sau trồng chỉ cần tưới kích rễ; khi bộ rễ có dấu hiệu phát triển thì dùng humix hoặc phân bón đạm cao qua lá, phun tưới cho cây con.
3. Chăm sóc
Cần lưu ý quan tâm đến 2 kỹ thuật quan trọng khi chăm sóc cây sầu riêng mới trồng dưới đây để tránh được những yếu tố gây hại, giúp cây con phát triển khỏe mạnh:
Tưới và tiêu nước cho sầu riêng con
Cách chăm sóc sầu riêng 1 năm tuổi tuân theo quy tắc: nếu thiếu nước, cây có thể chết héo; thừa nước rễ không phát triển được, có thể bị thối và chết.
Sau khi đặt cây con xuống hố được 5-7 ngày chỉ cần tưới nước đều cho rễ cây quen hơi với môi trường đất. Ở giai đoạn mới trồng này, nhu cầu về độ ẩm của cây sầu riêng là 65 – 80% độ ẩm tối đa. Cần xác định độ ẩm của đất thường xuyên (bằng dụng cụ đo) để kịp thời điều chỉnh tưới tiêu nước phù hợp với nhu cầu của sầu riêng trong giai đoạn này.
Bón phân và chăm sóc sầu riêng mới trồng
· BƯỚC 1: Sau khi trồng cây con được 7-8 ngày,bắt đầu bón phân hữu cơ vi sinh (phân gà vi sinh, phân bò hoặc phân chuồng xử lý vi sinh đều được). Bón phân hữu cơ vi sinh xung quanh gốc và cách gốc khoảng 1 gang tay (20cm) với liều lượng khoảng 1-3 kg. Tùy trường hợp có thể ngâm và tưới xung quanh gốc.
· BƯỚC 2: Sau ngày thứ 10 (sau khi rãi phân hữu cơ 2 ngày) có thể kết hợp phân nước kích rễ – cải tạo đất sinh học tưới xung quanh gốc và phun lên tán cây để tăng kích thích sự phát triển của rễ, thân cành, lá. (nếu không có nhân công thì có thể kết hợp pha chung với bước 1 để tiết kiệm chi phí và công sức).
· BƯỚC 3: Sau 10-15 ngày, cây xuất hiện mũi giáo (bung đọt non) thì phun phân qua lá đạm cao (ví dụ humix) đồng thời nên mua thuốc diệt rầy rệp và côn trùng về phun hạn chế gây hại. Khi lá bung lụa thì phun thuốc ngừa bệnh.
· (đón xem tài liệu kỹ thuật chuyên đề: phòng trừ sâu bệnh hại SR)
· Khi lá già tiếp tục bón phân hữu cơ cho cây đón cơi đọt kế tiếp (lặp lại chu trình bón phân cho cây con như bước 1. Thường chu trình bón phân cho mỗi cơi đọt khoảng 45-60 ngày).
·
Tỉa cành, tạo dáng cho sầu riêng con
Ngay từ đầu khi cây sầu riêng còn nhỏ, nên tiến hành cắt tỉa đi các cành mọc sai vị trí, định hình khung ban đầu cho cây. Tuy nhiên ở giai đoạn vườn ươm này không nên cắt tỉa cành quá nhiều để đảm bảo cây sầu riêng con không bị mất sức và vẫn phát triển tốt.
Trường hợp cây con còi cọc ko phát triển, đọt ngắn, lá nhỏ
Có thể là do bộ rễ không phát triểncần xới gốc quan sát xác định nguyên nhân để cải thiện điều kiện sinh thái rễ.
Có các nguyên nhân chủ yếu gây hại rễ là : Do tuyến trùng, do nấm rễ, do úng gây thối rễ
(Đón xem tài liệu kỹ thuật chuyên đề: phòng trừ sâu bệnh hại SR)./.